Các tín hiệu tích cực hỗ trợ ngành dệt may Việt Nam

1.Phục hồi kinh tế toàn cầu:

    • Các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, EU và Nhật Bản đang phục hồi, kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng, đặc biệt là với các sản phẩm may mặc.

+ Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu 2025, OECD lạc quan hàng đầu với mức 3,3%, tiếp đến là IMF với 3,2%. Morgan Stanley và Goldman Sachs đưa ra dự báo lần lượt là 3% và 2,7%. Triển vọng khác nhau đáng kể giữa các khu vực.

+ Goldman Sachs cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới mở rộng nhanh hơn các nước phát triển khác trong năm thứ 3 liên tiếp, đạt 2,5%. OECD cho rằng con số này có thể đạt đến 2,4%. Kinh tế Châu Âu dự báo tăng 1,3%, Nhật Bản 1,5%, Trung Quốc 4,7%, theo OECD. Tuy nhiên, “biến số” còn phụ thuộc vào Mỹ.

+  Lạm phát ở các quốc gia OECD dự kiến sẽ giảm thêm, từ 5,4% trong năm 2024 xuống 3,8% trong năm 2025 nhờ vào chính sách tiền tệ vẫn duy trì tính thắt chặt. Tại Mỹ, lạm phát có thể phục hồi vào cuối 2025 do giá cả và chi phí lao động tăng cao bởi chính sách thuế quan và nhập cư mới của ông Trump. Tại khu vực đồng euro và Anh, lạm phát sẽ giảm dần đều

    • Lượng tồn kho tại các thị trường này giảm mạnh, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu dệt may tăng lên.

+ Các thị trường truyền thống như Mỹ và EU đã hết hàng tồn kho, dẫn đến việc các thị trường này bắt đầu mua lại đơn hàng. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng không mạnh mẽ như sau đại dịch, mà chỉ ổn định

2. Chuyển dịch đơn hàng:

    • Do tình hình bất ổn chính trị và kinh tế tại các quốc gia như Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar, nhiều đơn hàng từ các thị trường này đã chuyển dịch sang Việt Nam. Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu

+ Myanmar tiếp tục đối mặt với tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021. Ngành dệt may Myanmar bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với nhiều nhà máy phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Điều này đã dẫn đến việc chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam, nơi có môi trường sản xuất ổn định hơn

+ Bangladesh là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ ba thế giới và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong chuỗi giá trị ngành dệt may. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may của Bangladesh chứng kiến đơn hàng giảm 25% – 40%. Năng lực sản xuất của Bangladesh giảm, niềm tin khách hàng suy giảm.

+ Trung Quốc: Giới lãnh đạo Bắc Kinh đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu kinh tế khốc liệt khi Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của mình và cam kết áp dụng mức thuế quan lên tới 60 – 70% đối với Trung Quốc. Nền kinh tế sản xuất của Trung Quốc hiện đang thừa công suất nghiêm trọng.

3. Đơn hàng khả quan:

    • Theo ghi nhận, ngay từ đầu năm 2025, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã nhận được một lượng đơn hàng khá lớn đến tháng 6/2025 chủ yếu dành cho thị trường Mỹ, tạo nền tảng tốt để thực hiện mục tiêu xuất khẩu trong năm.

Những thách thức lớn trong năm 2025

  1. Chính sách thuế mới của Mỹ:
    • Nếu Tổng thống Donald Trump áp dụng chính sách thuế mới, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có thể phải chịu thêm 10% thuế nhập khẩu. Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể vì Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành.
    • Bangladesh đang được hưởng ưu đãi thuế dành cho quốc gia kém phát triển, giúp hàng hóa của họ dễ dàng cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Dự kiến sản xuất hàng dệt may của Bangladesh sẽ trở lại mức bình thường từ quý II/2025. Điều này có thể gây ra sự cạnh tranh mạnh mẽ với ngành dệt may Việt Nam.
  2. Biến động đơn hàng:
    • Trong nửa cuối năm 2025, các nhà nhập khẩu có xu hướng không chốt đơn hàng dài hạn mà chuyển sang các đơn hàng ngắn và nhỏ hơn.
    • Đơn hàng dịch chuyển từ Bangladesh cũng sẽ giảm dần khi quốc gia này ổn định sản xuất.
  3. Áp lực chi phí:
    • Giá trị các đơn hàng xuất khẩu có xu hướng thấp, trong khi chi phí đầu vào như nguyên liệu và lao động lại tiếp tục tăng. Chi phí lao động của Việt Nam hiện cao gần gấp 3 lần so với Bangladesh, gây áp lực lớn trong cuộc cạnh tranh về giá cả
    • Các tiêu chuẩn “xanh hóa” sản xuất đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư thêm chi phí để đáp ứng yêu cầu như giảm phát thải carbon, truy xuất nguồn gốc, tự chủ nguồn nguyên liệu, và tuân thủ tiêu chuẩn lao động.
  4. Yêu cầu phát triển bền vững:
    • Trong vòng 2-4 năm tới, doanh nghiệp ngành dệt may sẽ phải đối mặt với hơn 35 luật mới từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ liên quan đến phát triển bền vững.
    • Nếu không đáp ứng được các yêu cầu này, doanh nghiệp có nguy cơ mất đơn hàng, giảm doanh thu.

Giải pháp cho ngành dệt may Việt Nam

  • Mở rộng thị trường và tìm kiếm đơn hàng:
    • Doanh nghiệp cần tham gia các tổ chức quốc tế và hiệp hội ngành dệt may để tăng cường kết nối, tìm kiếm khách hàng và tận dụng nguồn hỗ trợ.
    • Khai thác hiệu quả ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tiếp cận thêm nhiều thị trường mới.
  • Nâng cao năng lực sản xuất:
    • Đào tạo và phát triển kỹ năng nghề cho lao động, đầu tư vào công nghệ mới để cải thiện chất lượng sản phẩm và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
    • Đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao để tăng sức cạnh tranh.
  • Tuân thủ các tiêu chuẩn xanh:
    • Doanh nghiệp cần chú trọng phát triển bền vững, đầu tư vào hệ thống sản xuất thân thiện với môi trường, giảm phát thải carbon và truy xuất nguồn gốc để đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn.